KIẾN THỨC NUÔI DẬY CON PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

›› Trang chủ
›› Mang thai
›› Chăm con
›› Dạy con
›› Gia đình
›› Giảm cân

Dạy conSai lầm khi dạy con

Bạo hành sẽ khiến trẻ dễ đối đầu với cha mẹ

"Đồ ngu, cho mày ăn để rồi mày phá như thế à", vừa nói anh Tùng vừa cầm cái chổi đót phang vào chân cậu con trai mới 8 tuổi. Cậu bé Tú nước mắt lưng tròng, nhảy choi choi để tránh đòn. Tình trạng bạo hành trẻ nhỏ không phải là chuyện quá hiếm trong nhiều gia đình.
Hệ quả của những trận đòn từ cha mẹ là con cái trở nên xa lánh, ngấm ngầm đối đầu với bố, mẹ. Nhiều trẻ đã phản ứng bằng cách bỏ nhà, thậm chí có ý định tự tử. Theo Luật bảo vệ chăm sóc và giáo duc trẻ em, thì những hành vi hành hạ, ngược đãi, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ đều bị coi là vi phạm. Cha mẹ và những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều em nhỏ vẫn phải chịu những trận đòn khủng khiếp hay nghe những lời mắng mỏ đầy xúc xiểm của người thân. Hầu hết các ông bố bà mẹ đều có tâm lý, đứa con là sở hữu của mình nên có thể "tùy ý đối xử".

Yêu cho roi, cho vọt
Trận đòn của Tú bắt nguồn từ việc em làm hỏng chiếc máy vi tính của gia đình. Anh Tùng nổi tiếng là người khắt khe và nóng tính. Đối với con cái, anh vẫn giữ quan niệm "yêu cho roi cho vọt". Nên mỗi khi không vừa lòng với con hoặc bé Tú mắc lỗi gì là anh mắng chửi thậm tệ, thậm chí nhiều lần còn đánh con đến thương tích. Những lúc đó chẳng ai có thể ngăn nổi cơn lôi đình của anh Tùng, bởi càng can, anh càng "lên cơn điên" và đánh con mạnh tay hơn.

Chị Hoài Thương, ngụ tại ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội nói: "Nếu không đánh thì nó không biết sợ, sẽ chẳng ai bảo được nó cả. Từ xưa đến nay, việc dạy con hữu hiệu nhất là đe nẹt, có đánh roi mới tạo được kỷ luật nghiêm khắc và con tôi rất sợ mỗi khi tôi cầm chiếc roi để bên cạnh". Cũng giống như chị Thương, nhiều người coi chuyện đánh con, dùng những lời lẽ nặng nề, thậm chí miệt thị con trẻ là chuyện bình thường, bởi "con tôi, tôi có quyền dạy". Nhưng họ không hề biết rằng thực tế, phương pháp dạy con bằng hình phạt này sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề.

Đối với trường hợp của Tú, nhiều lần bị đánh đau nên cậu không còn muốn gần gũi với bố nữa, mọi chuyện cậu chỉ tâm sự với mẹ và cô ruột. Dù mới 8 tuổi nhưng Tú đã bộc lộ là một đứa trẻ sống khép kín, lúc nào cũng sợ sệt.

Nguyễn Hoàng Long, học sinh một trường THPT ở quận Cầu Giấy, cho biết, trước đây bố mẹ em cũng hay đánh em và em gái. Khi Long học lên cấp 3 thì việc này không còn nữa vì bố mẹ cho rằng em đã lớn, đánh đòn không còn tác dụng, thay vào đó là những lời mắng mỏ, chì chiết. Long tâm sự: "Nhiều khi em thấy đau đớn lắm, bố mẹ nói những câu khiến em cảm thấy bị xúc phạm. Bố mẹ cứ nói em đã lớn phải biết nghe lời, nhưng chính bố mẹ chẳng giữ sĩ diện cho tụi em, nhiều câu nói không hề tôn trọng con".

Càng bị đòn, trẻ càng ức chế
Từ những năm 1950, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia xã hội học đã tổng kết, hình phạt ít hiệu quả hơn việc hạn chế hành động không tốt của trẻ. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, phạt thường xuyên và phạt nặng sẽ đẩy trẻ hư thêm và khuyến khích thái độ thù nghịch, căm ghét. Trẻ sẽ cứng đầu cứng cổ hơn, thậm chí dễ dẫn đến bắt nạt những bạn khác ở trường. Nghiêm trọng hơn trẻ có thể mắc bệnh trầm cảm, rối loạn hành vi...

Nói về những trận đòn của mẹ, em Hồng Minh ngậm ngùi tâm sự: "Thực ra mẹ càng đánh em càng lì. Nếu khi nào bị đánh hoặc mắng mỏ quá thì em cũng tỏ thái độ phản kháng, làm ngược lại điều mẹ mong muốn. Nhiều lúc em cũng muốn bỏ nhà đi".

Tâm lý của Long và Minh rất phổ biến đối với những em bị bố mẹ bạo hành. Theo đường dây tư vấn trẻ em, trong số những cuộc điện thoại gọi đến tâm sự, xin tư vấn nhiều em cho biết sẵn sàng lao vào những cuộc chơi vô bổ, phản ứng với cách cư xử của cha mẹ, để cha mẹ biết họ đã lớn và cần được cha mẹ tôn trọng quyền tự do. Có không ít em gọi điện bày tỏ ý muốn quyên sinh vì cha mẹ, người thân không hiểu mình và có những hành vi gây ức chế cho con.

Hãy trò chuyện, tôn trọng suy nghĩ của trẻ
Theo các nhà nghiên cứu tâm lý thì một số cha mẹ đánh con vì quá căng thẳng, hoặc chịu sức ép. Một số người cho rằng phải đánh con, bởi chúng có quá nhiều lỗi và họ cũng tin rằng đánh sẽ hiệu quả hơn là quát, hoặc đó là thời gian thích hợp áp dụng hình phạt.

Đối với trẻ nhỏ phát triển bình thường, chúng có những xử sự sai là bởi chúng tự nhận biết bản thân và thế giới xung quanh. Đừng quan niệm "không phạt là không có nguyên tắc" nhưng cũng không tránh phạt vì đến thời điểm đó phạt trẻ là đúng.

Theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ trẻ thì, không bao giờ dạy con khi đang nóng giận. Khi cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt thì cách tốt nhất là bỏ con ở đó, tránh mặt một lúc cho "cục than" trong lòng nguội bớt rồi quay lại dạy dỗ con.

Các tin khác

Xem tất cả bài viết thuộc mục: Sai lầm khi dạy con
Trang chủ     Giới thiệu     Chính sách bảo mật     Tuyên bố từ chối trách nhiệm

Copyright © 2016 Chametainang.com - Email: chametainang.com@gmail.com - Liên hệ QC. Mr. Hiền 0989343566
Chia sẻ kiến thức chăm sóc Mẹ & Bé - Chăm sóc nuôi dạy con phát triển toàn diện

khan qua tang | khan khach san | khan spa | May vest đẹp